Khi chọn mua các loại thiết bị điện tử có sử dụng màn hình thì người dùng thường gặp các thông số về màn hình có độ sáng đo lường theo đơn vị nit. Vậy thông số nit trên màn hình máy tính / laptop có nghĩa gì và nên lựa chọn bao nhiêu nits là phù hợp với bạn? Trong bài viết này Laptop eHouz sẽ giới thiệu một số thông tin về độ sáng theo đơn vị nit của màn hình laptop.
Độ sáng nit của màn hình là gì?
Độ sáng theo đơn vị Nit là khả năng thể hiện ánh sáng của một màn hình máy tính trước mắt người. Đơn vị đo độ sáng là “Nit” hay cd/m2 (với quy tắc quy đổi 1 nit = 1cd/m2) chính bằng lượng ánh sáng của một điểm ảnh tạo ra trên một pixel trên màn hình. Nit thường là đơn vị độ sáng của màn hình trên các thiết bị điện tử như tv, laptop, điện thoại thông minh, màn hình máy tính,…
Ví dụ dễ hiểu: Một màn hình độ sáng 200 nits nghĩa là lượng ánh sáng phát ra từ 200 ngọn nến đang chiếu vào một mặt phẳng có diện tích đơn vị là 1m2.
Ý nghĩa của độ sáng nit trên màn hình
Hiểu đơn giản là, độ sáng càng lớn thì thông số số nit của màn hình laptop càng cao. Ở điều kiện bình thường, thông số nit của màn hình sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng hình ảnh hiển thị. Tuy nhiên, khi sử dụng laptop trong môi trường ánh sáng mạnh như ở ngoài trời hoặc dưới ánh đèn công suất lớn thì màn hình có độ sáng nit cao sẽ giúp người dùng nhìn rõ màn hình hơn độ sáng thấp.
Độ sáng là một trong những yếu tố quan trọng khi lựa chọn màn hình, đặc biệt là laptop đồ họa. Thông số nit cao sẽ giúp người dùng làm việc ở điều kiện ngoài trời có nhiều thuận lợi hơn.
Nit có ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh hoặc hiển thị?
Độ sáng Nit có ảnh hưởng đối với màn hình khi làm việc ở các điều kiện ánh sáng khác nhau. Về tổng thể, chất lượng hiển thị của màn hình còn đánh giá dựa trên các thông số như độ phủ màu (thang đo sRGB, Adobe), độ phân giải và kích thước điểm ảnh.
Nhược điểm của độ sáng màn hình cao
Thông thường, màn hình có độ sáng Nit cao thì thường được trang bị trên các thiết bị cao cấp. Tuy nhiên, việc màn hình có độ sáng cao thì nhược điểm lớn nhất là mức tiêu thụ điện cao hơn nhiều so với màn hình thường. Hiểu đơn giản là mức độ phát ra ánh sáng lớn đi kèm với mức độ tiêu hao năng lượng lớn.
Ví dụ điển hình ở các dòng máy doanh nhân cao cấp như Elitebook 1030 G3, nếu khách hàng lựa chọn màn hình có độ sáng 500 nits thì thời lượng pin giảm khoảng 15% so với màn hình 400 nits.
Độ sáng màn hình càng cao sẽ khiến nhiệt độ của laptop cũng sẽ tăng nhanh hơn khi để ở độ sáng thấp, đặc biệt là ở phần xung quanh màn hình. Ngoài ra, nhiệt độ bên trong máy cũng nóng hơn do pin tỏa nhiệt nhiều hơn. Tuy nhiên, nhiệt độ của máy cũng không phải là điều đáng quan tâm vì các hệ thống tản nhiệt trên laptop hiện nay cũng được đầu tư và có hiệu quả rất tốt.
Độ sáng màn hình nit thường gặp
200 nits - 300 nits
Đây là độ sáng màn hình thường gặp nhất trên các dòng laptop phổ thông, phù hợp với điều kiện làm việc trong nhà. Các dòng laptop này phù hợp với các công việc văn phòng và học tập.
300 nits - 500 nits
Độ sáng cao, đây là màn hình có chất lượng vượt bậc so với các loại thông thường được trang bị trên laptop tầm trung, đồ hoạ kỹ thuật,…Được sử dụng ở những nơi có cường độ ánh sáng cao (ở ngoài trời) với ánh sáng không quá gắt (chiếu trực diện).
500 nits - 600 nits
Đây là độ sáng hiện đại nhất, được tạo ra để đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng của người dùng, và thường được trang bị trên Macbook, laptop doanh nhân cao cấp,… cho chất lượng hình ảnh hiển thị cao.
Độ sáng càng cao sẽ giúp tăng trải nghiệm của người dùng nhưng vẫn tồn tại nhược điểm về mức tiêu thụ điện và nhiệt độ của máy khi để chế độ độ sáng cao.
600 nits - 1500 nits
Màn hình độ sáng rất cao này thường được trang bị trên các dòng sản phẩm điện thoại phân khúc cao cấp. Ngoài ra, tivi chất lượng cao cũng đã được trang bị độ sáng màn hình lên đến 1500 nits. Độ sáng màn hình này cho phép hiển thị dưới các môi trường ánh sáng khác nhau kể cả ánh nắng chiếu trực diện.
Trên 1500 nits
Độ sáng màn hình trên 1500 nits đã được trang bị trên các sản phẩm TV, iPad cao cấp. Các sản phẩm này chủ yếu dành cho kỹ sư, kiến trúc sư thường làm việc ở công trường, dưới ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp.
Điều chỉnh độ sáng Nit bằng cách nào?
Độ sáng nit là thông số dễ dàng điều chỉnh trên màn hình, thuật ngữ thường dùng là điều chỉnh độ sáng tối. Người dùng có thể điều chỉnh thủ công mức độ sáng tối của màn hình ngay trên bàn phím với các phím tắt hoặc điều chỉnh tại mục brightness trong Windows 10. Ngoài ra, ở một số dòng laptop cao cấp của HP, cảm biến ánh sáng đặt gần vị trí webcam sẽ cho phép điều chỉnh độ sáng tự động. Hệ thống này giúp tăng giảm độ sáng tự động theo thông số từ nhà sản xuất.
Độ sáng nit trên màn hình thiết lập bao nhiêu là phù hợp?
Với các thiết bị ngoại vi thì màn hình là thứ ảnh hưởng nhiều nhất đến trải nghiệm người dùng. Độ sáng màn hình là yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc và sức khỏe của đôi mắt. Bao nhiêu nits là phù hợp thì đó là một câu hỏi khó, thường thì người dùng nên tự điều chỉnh và cảm nhận mức độ thoải mái của đôi mắt trong quá trình sử dụng.
Thời điểm hiện tại, đa số các laptop trên thị trường đều được tích hợp tính năng điều chỉnh cường độ sáng bằng cảm biến ánh sáng dựa theo ánh sáng của môi trường xung quanh. Người dùng có thể tắt tùy chọn này và điều chỉnh thủ công sao trong quá trình sử dụng.
Với điều kiện làm việc văn phòng, độ sáng ở mức 120 nits đến 180 nits là phù hợp. Còn trong điều kiện phòng tối, tắt hết ánh sáng xung quanh thì chỉ cần độ sáng ~80 nits là đã có thể thấy rõ nội dung hiển thị trên màn hình.
Điều này có nghĩa rằng nếu laptop có độ sáng tối đa 300 nits thì trong điều kiện phòng bình thường chỉ cần điều chỉnh độ sáng màn hình ở mức 60% là đủ. Tất nhiên, người dùng có thể thay đổi thông số này và cách thích hợp là tự cảm nhận độ dễ chịu của đôi mắt trong quá trình sử dụng.
Lời kết
Hy vọng sau khi tham khảo bài viết này bạn đã có những thông tin về độ sáng Nit của màn hình. Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết, hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo!